top of page

Những nhà quản trị nổi tiếng ở Việt Nam được thế giới vinh danh

Ngày càng có nhiều doanh nhân Việt chứng tỏ được tài năng quản trị không thua kém bất kỳ một doanh nhân quốc tế nào. Tài năng của những nhà quản trị nổi tiếng ở Việt Nam này không những được cộng đồng doanh nhân Việt Nam công nhận mà còn được thế giới vinh danh. Hãy cùng quanlyquyle tìm hiểu và lấy làm động lực phấn đấu nhé.


Ông Phạm Nhật Vượng – Tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam


Doanh nhân Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã được Forbes ví như “Donald Trump của Việt Nam” và từng xếp thứ 974 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên có mặt trong danh sách này. Khối tài sản công khai của ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng hiện trải đều khắp Việt Nam.

Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam sở hữu khối tài sản gần 1,7 tỷ USD. Năm 2015 là năm thứ ba liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này.


Là một doanh nhân kín tiếng, nhưng nhìn vào khối tài sản khổng lồ với hàng loạt dự án sang trọng thuộc các lĩnh vực bất động sản, du lịch khách sạn, y tế, sức khỏe, làm đẹp, mua sắm, bán lẻ, công nghệ ô tô… cùng hệ thống khách sạn, công viên giải trí trải dài cả nước của tập đoàn do ông làm chủ, người ta cũng có thể hình dung phần nào về giá trị tài sản mà tỷ phú này đang nắm giữ.


Đoàn Nguyên Đức – Doanh nhân Việt gây “Ảnh hưởng nhất tại Đông Nam Á”


Tháng 9/2011, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được Wall Street Journal bầu chọn vào danh sách những nhà quản trị doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á và là người có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân Việt Nam.


Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á.


Năm 2008 và 2009, ông Đức xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những doanh nhân giàu nhất Việt Nam. Năm 2012, ông xếp ở vị trí thứ hai sau ông Phạm Nhật Vượng với khối tài sản 5.600 tỷ đồng.


Bên cạnh nguồn thu từ các dự án bất động sản, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang chuyển dần mũi nhọn sang cao su với 51.000 ha tại Lào, Việt Nam và Campuchia. Một số tính toán cho thấy, khi toàn bộ diện tích này được khai thác sẽ mang về cho Hoàng Anh Gia Lai khoảng 300 triệu USD/năm.


Đặng Lê Nguyên Vũ – “Ông trùm” cà phê của Việt Nam

CEO Đặng Lê Nguyên Vũ – Người thành lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên. (Ảnh: Internet)

Tạp chí National Geographic Traveller đã gọi CEO Đặng Lê Nguyên Vũ là “Vua cà phê”. Tạp chí Forbes đặt cho ông danh vị “zero to hero”.


Trung Nguyên là một doanh nghiệp đặc biệt. Không chỉ nổi tiếng với sản phẩm cà phê, Trung Nguyên còn được nhắc đến bởi tư duy đáng chú ý của người chủ công ty, CEO Đặng Lê Nguyên Vũ.


Theo nhận định của giới chuyên môn, tài sản cá nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ có thể lên tới 100 triệu USD. Đây là con số khổng lồ so với một quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp như Việt Nam.


Ngoài việc kinh doanh, vị doanh nhân này thường xuyên cô vũ tầng lớp thanh niên ra sức sáng tạo, lập nghiệp để thành công. Không dừng lại ở lời nói, ông hiện thực hóa lời kêu gọi của mình bằng nhiều cách như in 100 triệu cuốn sách để tặng cho giới trẻ.


Ngoài việc xây dựng cà phê Trung Nguyên trở thành thương hiệu quốc tế, ông Vũ luôn khát khao và có một hoài bão là góp sức mình đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu, chinh phục và có tầm ảnh hưởng trên thế giới.


Bà Mai Kiều Liên – Nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc khu vực châu Á


Bà Mai Kiều Liên – một trong những CEO quyền lực nhất châu Á. (Ảnh: Internet)

Năm 2012, Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á (HongKong) bình chọn bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk là một trong những nhà quản trị doanh nghiệp (CEO) xuất sắc của Châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư. Vào tháng 5/2012, bà cũng từng được tạp chí này trao giải thưởng “Nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực Châu Á” trong lĩnh vực Quản trị doanh nghiệp.


Bà Mai Kiều Liên cũng được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực Châu Á. Công ty Vinamilk của bà Liên trong năm 2012 đạt doanh thu hơn 27.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 2.900 tỷ đồng. Hiện, Vinamilk có một nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand và 11 nhà máy trong nước. Bà Liên đặt mục tiêu đưa Vinamilk lọt vào top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới trong tương lai gần, với doanh thu 3 tỷ USD.


Bà Phạm Thị Việt Nga – “Bông hồng thép” quyền lực của châu Á


Bà Phạm Thị Việt Nga là một “bông hồng thép” của giới doanh nhân của Việt Nam. (Ảnh: Internet)


Là 1 trong 2 người phụ nữ duy nhất ở Việt Nam được vinh danh là doanh nhân quyền lực nhất châu Á, bà Phạm Thị Việt Nga được biết đến như một người phụ nữ quyết liệt và cứng rắn, đã có công chèo lái thành công con thuyền của Công ty Dược Hậu Giang từng bước vượt qua khủng hoảng và đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Forbes, kể từ khi gia nhập Công ty Dược Hậu Giang năm 1988, bà Nga đã biến một xí nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản thành công ty dược phẩm lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.


Công ty Dược Hậu Giang hiện sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm, trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài. Năm 2012, công ty đạt doanh thu 140 triệu USD.


Ông Trương Gia Bình – Doanh nhân Việt đầu tiên được vinh danh bởi Nikkei


Giải thưởng Nikkei được Tập đoàn truyền thông Nhật Bản Nikkei lập ra năm 1996, vinh danh các cá nhân và tổ chức châu Á có đóng góp đáng kể trong ba lĩnh vực: Phát triển khu vực, Khoa học – Công nghệ – Đổi mới và Văn hóa. Được tổ chức suốt 18 năm qua nhưng mới chỉ có 9 doanh nhân được vinh danh với giải thưởng, trong đó có ông Trương Gia Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách danh giá này.


Theo Nikkei, ông Bình không chỉ sáng lập và xây dựng thành công Tập đoàn Công nghệ thông tin, viễn thông hàng đầu Việt Nam FPT mà còn đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành này tại Việt Nam. Ông đã góp phần xây dựng Hiệp hội công nghiệp phần mềm Việt Nam và lập ra trường đại học với mục tiêu đào tạo các chuyên gia công nghệ Việt tương lai.


Bài viết liên quan:



Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page